Bộ GTVT duyệt tăng trần, rồi lại yêu cầu thanh tra?

Ngay sau kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày với kết quả ghi nhận lượng hành khách sử dụng đường hàng không giảm gần 10% so với cùng kỳ năm trước, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu Cục Hàng không kiểm tra việc kê khai, minh bạch thông tin giá vé máy bay. Trong văn bản gửi Cục, Bộ trưởng GTVT nêu rõ tình trạng giá vé máy bay của các hãng hàng không nội địa tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu đi lại của người dân, nhất là dịp cao điểm như nghỉ lễ 30.4 - 1.5 vừa qua. Do đó, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không khẩn trương rà soát, kiểm tra ngay công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá, công khai, minh bạch thông tin về giá vé máy bay của các hãng hàng không, tuyệt đối không để tình trạng tăng giá vé trái quy định. Trường hợp phát hiện bất thường, kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh và xử lý ngay vi phạm theo thẩm quyền.

Thông tin Bộ GTVT yêu cầu thanh tra giá vé máy bay như "gãi đúng chỗ ngứa" của đại bộ phận người dân bởi trong hơn 1 năm qua, giá vé máy bay đã thiết lập mặt bằng giá mới, cao ngất ngưởng. Thế nhưng, với các hãng hàng không thì đây lại là một quyết định khá khó hiểu.

Lượng khách nội địa qua Cảng Tân Sơn Nhất lễ 30.4 - 1.5 vừa qua giảm gần 10%

Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo một hãng hàng không nói thẳng đối với các đường bay nội địa, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Bộ GTVT đã có Thông tư số 17/2019 về khung giá vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa và mới đây là Thông tư số 34/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17 do Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành về tăng trần vé máy bay. Hiện tại, các hãng hàng không VN đều xây dựng sản phẩm và giá vé máy bay nội địa nằm trong khung giá quy định tại các thông tư nêu trên.

"Hàng không không phải như xe khách, xe đò, muốn tăng giá bao nhiêu thì tăng. Không một hãng nào dám bán vé vượt giá trần, thậm chí còn chưa chạm trần. Việc bán vé cũng công khai, minh bạch trên các trang web. Người dân có thể giám sát hãng có bán vé vượt giá trần hay không và hoàn toàn không có chuyện mua vé xong lại phải trả thêm phí hoặc mua "vé chợ đen" như một số loại hình vận tải khác. Vì thế, yêu cầu thanh tra hoạt động bán vé của các hãng là khá khó hiểu", đại diện hãng hàng không này nêu quan điểm.

Giảm thuế, phí để hạ nhiệt vé máy bay

So sánh của Cục Hàng không về giá vé máy bay nội địa với các hãng trong khu vực chỉ ra rằng: mức giá vé tính theo km tại thị trường nội địa VN theo khung giá quy định hiện tại vẫn khá thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Đơn cử, chặng Hà Nội - TP.HCM, mức giá/km cao nhất theo quy định chỉ khoảng 0,11 USD/km trong khi chặng bay Bangkok đi Chiang Mai mức giá/km cao nhất của Thai Airways (Thái Lan) là 0,22 USD/km (gấp 2 lần so với VN); chặng bay Bắc Kinh - Thượng Hải của Air China (Trung Quốc) là 0,27 USD/km; chặng bay Busan - Jeju của Asiana Airlines (Hàn Quốc) ở mức 0,32 USD/km... Thế nhưng, nếu cùng mua vé tại giai đoạn cao điểm, trong khi nhiều hành khách chỉ phải bỏ ra 4 - 5 triệu đồng cho cặp vé khứ hồi từ Hà Nội/TP.HCM bay sang Bangkok thì ở VN, chặng Hà Nội - Phú Quốc giá cao gấp đôi.

Các hãng bay lý giải: Cấu thành giá vé máy bay mà hành khách phải trả hiện nay bao gồm giá vé của các hãng và các giá, phí thu hộ do nhà nước quyết định. Phần này các hãng chỉ thu hộ rồi trả về cho nhà nước, ước tính có trên 20 loại, cả trực tiếp và gián tiếp. Ngoài chi phí xăng dầu, các biến phí khác như kỹ thuật, dịch vụ điều hành bay đi, đến; hạ, cất cánh máy bay; phí đậu máy bay (parking chargers); giá thuê quầy check-in, mặt bằng, kho bãi… tại các cảng hàng không sân bay cũng chiếm tới khoảng 65 - 80% tổng chi phí. Phần định phí chiếm khoảng 20 - 35% và tùy theo mỗi hãng.

"Điều này cũng phần nào lý giải vì sao 2 năm qua, các hãng hàng không khổ sở gồng lỗ mà Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) vẫn lãi đậm ngàn tỉ. Một kết cấu hàng không mà một bên là ACV liên tục có lãi và lãi lớn, một bên là các hãng hàng không nội địa ngập trong lỗ và nợ, như thế có hợp lý không dưới góc độ điều tiết, quản lý nhà nước? Nếu không giảm các loại giá, phí sân bay do nhà nước quản lý thì giá vé máy bay không thể giảm, các hãng hàng không VN cũng khó trụ được", đại diện một hãng hàng không nêu vấn đề.

Trong khi đó, lãnh đạo Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) khẳng định các khoản phí trong giá vé máy bay là "giá dịch vụ chuyên ngành hàng không" quy định tại Thông tư 53/2019 của Bộ GTVT. Dịch vụ chuyên ngành hàng không là dịch vụ liên quan trực tiếp đến khai thác tàu bay, vận chuyển hàng không và hoạt động bay. Đây cũng là các dịch vụ cung cấp tại cảng hàng không, sân bay, trên tàu bay nhưng không thuộc dịch vụ hàng không. Các khoản này không phải là phí thuộc ngân sách nhà nước, theo luật Phí và lệ phí. Theo pháp luật về phí và lệ phí, các chuyến bay của VN hạ cánh hoặc cất cánh tại sân bay trong nước chỉ phải nộp phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay và phí dịch vụ kinh doanh cảng hàng không. Hai loại này lần lượt là 165.000 đồng và 335.000 đồng/lượt, để bảo đảm hoạt động bay. "Vì thế, nói giá vé máy bay cao do thuế, phí là không chính xác", đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhìn nhận trong câu chuyện giá vé máy bay, vấn đề không phải những loại phí, thuế nào do đơn vị nào thu, đơn vị nào quản lý mà những loại phí, thuế đó đã hợp lý hay chưa. Cục Hàng không dẫn mức giá vé tính theo km tại thị trường nội địa VN theo khung giá quy định hiện tại vẫn khá thấp so với các nước trong khu vực, vậy tại sao có những đường bay cùng khoảng cách mà bay từ VN qua nước bạn vẫn rẻ hơn bay trong nước? Những cấu phần nào khiến tổng giá vé tăng cao như vậy? Trong những cấu phần đó, có loại nào bỏ được hay giảm được hay không?

"Tôi mua vé máy bay Hà Nội vào TP.HCM, giá một hãng bán có 618.000 đồng nhưng cộng thêm thuế, phí vào là lên hơn 1,4 triệu đồng. Rõ ràng thuế, phí còn cao hơn giá vé hơn 25%. Vậy thì không thể nói thuế, phí không liên quan tới giá vé máy bay cao được. Vì thế, trong đợt thanh tra này, Bộ GTVT thay vì thanh tra hoạt động bán vé của các hãng thì hãy thanh tra cụ thể từng cấu phần của giá vé. Đơn cử như những khoản phí tại cảng, phí dịch vụ mặt đất, đã hợp lý hay chưa? Có tình trạng độc quyền mà "ép" giá để hưởng lợi, để mặc hãng bay lỗ và người dân chịu thiệt hay không? Các loại thuế môi trường, thuế xăng dầu, thuế VAT… phía nhà nước thu bao nhiêu, có giảm được để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân hay không? Kê khai chi tiết ra hết là sẽ biết ngay vì sao giá vé máy bay cao, muốn giảm thì cần làm gì", ông Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Cục Hàng không cũng lý giải thêm một phần nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng cao do hiện nay, việc thuê máy bay vừa khan hiếm, vừa tăng giá. Nếu thời điểm trước tết, giá thuê máy bay A321 là 2.300 USD/giờ thì hiện tại con số này đã chạm ngưỡng 4.000 USD/giờ. Để đảm bảo tăng cường đội bay phục vụ nhu cầu tăng cao dịp tết Nguyên đán cũng như kỳ nghỉ 30.4 - 1.5 vừa qua và mùa hè sắp tới, các hãng buộc phải chấp nhận thuê máy bay với giá đắt đỏ, chịu lỗ để bay. Ngoài ra, vận chuyển hàng không trong giai đoạn cao điểm luôn có tính chất đặc thù chỉ đông khách một chiều, chiều còn lại ít khách hoặc thậm chí không có khách. Bởi vậy, giá vé áp dụng vào thời điểm này cũng phần nào giúp các hãng hàng không lấy chi phí thu một chiều, bù đắp cho chặng bay cả hai chiều nhưng vẫn không cao hơn giá trần quy định.